CÁC THUẬT NGỮ, KHÁI NIỆM
I. DOANH NGHIỆP
1. Số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh: Là số doanh nghiệp trong năm tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, có kết quả tạo ra hàng hóa, dịch vụ và có doanh thu hoặc phát sinh chi phí sản xuất kinh doanh (Không bao gồm doanh nghiệp đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, không phát sinh doanh thu, chi phí SXKD; doanh nghiệp tạm ngừng và ngừng hoạt động có thời hạn...có đến 01/01/2020).
2. Số lao động trong doanh nghiệp: Làtoàn bộ số lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và trả lương, trả công có đến thời điểm 01/01/2020 hoặc 31/12/2020.
3. Thu nhập của người lao động: Là tổng các khoản người lao động nhận được do tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập của người lao động bao gồm: Tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp, thu nhập khác có tính chất như lương. Ngoài ra thu nhập của người lao động cũng bao gồm các khoản thu nhập khác không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.
4. Thu nhập bình quân = tổng thu thập của người lao động/tổng lao động các tháng/12.
5. Tổng tài sản của các doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp gồmtài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn tại một thời điểm.
6. Tài sản bình quân = (tài sản đầu năm+tài sản cuối năm)/2.
7. Tài sản dài hạn của các doanh nghiệp bao gồm: tài sản cố định, các khoản phải thu dài hạn, các khoản đầu tư tài chính dài hạn, bất động sản đầu tư và các loại tài sản dài hạn khác.
8. Tài sản ngắn hạn của các doanh nghiệp bao gồm: tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn, hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn
9. Tài sản cố định của các doanh nghiệp: Llà những tài sản có giá trị lớn và sử dụng được trong nhiều chu kỳ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (trên 1 năm)
10. TSCĐ bình quân 1 lao động = ((TSCD đầu năm/TSCĐ cuối năm)/2)/((la động đầu năm+lao động cuối năm) /2)
11. Nguồn vốn: Là toàn bộ số vốn của doanh nghiệp được hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu và các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp.
12. Vốn bình quân = (Nguồn vốn đầu năm + nguồn vốn cuối năm)/2
13. Nguồn vốn bình quân 1 DN = ((Nguồn vốn đầu năm+nguồn vốn cuối năm)/2)/tổng số doanh nghiệp
14. Nguồn vốn bình quân 1 LĐ = ((Nguồn vốn đầu năm + nguồn vốn cuối năm)/2)/((lao động đầu năm+lao động cuối năm)/2)
II. HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP, HIỆP HỘI
1. Đơn vị hành chính là bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước, trực thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, có phương diện hoạt động chủ yếu là hoạt động chấp hành-điều hành, có cơ cấu tổ chức và phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.
2. Đơn vị sự nghiệp, hiệp hội là loại hình tổ chức dịch vụ do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp thành lập hoặc cho phép thành lập theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện chức năng cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập là các đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội và các doanh nghiệp nhà nước, trong đó chủ yếu là thuộc các cơ quan hành chính nhà nước.
4. Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là những tổ chức sự nghiệp không nằm trong khu vực nhà nước, được thành lập bởi các tổ chức xã hội, hiệp hội, các doanh nghiệp, các cá nhân hoặc liên doanh giữa các tổ chức với nước ngoài, có tư cách pháp nhân, cung cấp các dịch vụ công.
5. Hiệp hội bao gồm tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
6. Lao đông tại các đơn vị sự nghiệp bao gồm: Bao gồm tổng số lao động tham gia vào hoạt động của đơn vị, được đơn vị trực tiệp quản lý, sử dụng và trả lương (bao gồm vả chủ/người đứng đầu đơn vị)
7. Lao động tại các đơn vị hiệp hội bao gồm: Là tổng số lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động (theo khoản 1, Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2019)
8. Tổng giá trị tài sản của đơn vị: Bao gồm tài sản cố định và tài sản khác (TSCĐ gồm tài sản cố định hữu hình và TSCĐ vô hình. Đơn vị cung cấp thông tin về giá trị còn lại của tài sản theo thời điểm kê khai)
9. Tổng doanh thu của đơn vị: Doanh thu của đơn vị phản ánh số thu hoạt động của đơn vị bao gồm thu từ NSNN cấp, thu từ nguồn viện trợ, vay từ nước ngoài và từ nguồn phí được khấu trừ, để lại (TK511, TK512, TK514)
10. Doanh thu bình quân trên lao động: Là tổng doanh thu của đơn vị/ Số lao động được trả lương của đơn vị.
11. Tổng chi phí của đơn vị: Là các khoản chi thường xuyên và không thường xuyên bao gồm các khoản chi từ nguồn NSNN cấp (mục TK611), chi từ nguồn viện trợ, vay nước ngoài (TK612), từ nguồn phí được khấu trừ, để lại (TK612)
12. Chi phí bình quân của lao động được trả lương: Là tổng chi phí của đơn vị/Số lao động được trả lương của đơn vị
III. CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH CÁ THỂ
1. Cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) cá thể là cơ sở SXKD thuộc sở hữu của một người, một nhóm người hoặc một gia đình, chưa đăng ký hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, không bao gồm hộ thực hiện duy nhất một hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.
2. Doanh thu của của cơ sở SXKD cá thể: Là tổng số tiền thu được (bao gồm cả vốn và lãi) của cơ sở.
3. Nguồn vốn của cơ sở SXKD cá thể: Bao gồm giá trị của tài sản cố định, công cụ, dụng cụ, giá trị hàng hóa, nguyên vật liệu, tiền mặt, tiền gửi ngân hàng,… sẵn sàng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở.
4. Tài sản cố định của cơ sở SXKD cá thể: Là những tài sản phục vụ cho hoạt động SXKD, có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên và thời gian sử dụng trên 01 năm.
5. Lao động cơ sở SXKD cá thể: Là toàn bộ số lao động của cơ sở có tại thời điểm 01/7/2021 do cơ sở quản lý và sử dụng bao gồm: (1) Lao động thuê ngoài và (2) Lao động không phải trả công (thường là lao động trong gia đình), bao gồm cả chủ cơ sở.
+ Lao động thuê ngoài: Là những người được chủ cơ sở thuê để làm việc tại cơ sở, được trả công theo ngày/tuần/tháng/sản phẩm.
+ Lao động không phải trả công, trả lương: Bao gồm những người làm việc tại cơ sở nhưng cơ sở không phải trả công, trả lương (thường là chủ cơ sở và những lao động là thành viên trong gia đình).
IV. CƠ SỞ TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG
1. Cơ sở tôn giáo: Là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận như: chùa, tu viện, thiền viện, tịnh xá, niệm phật đường, nhà thờ, nhà xứ, nhà thờ họ công giáo, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trường đào tạo riêng của tôn giáo...;
2. Cơ sở tín ngưỡng: Là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng. Trong cuộc Tổng điều tra này chỉ bao gồm các cơ sở tín ngưỡng là đình, đền, phủ, miếu, am. Loại trừ: Các cơ sở tín ngưỡng là từ đường, nhà thờ họ (của một dòng họ hoặc gia đình, không diễn ra các hoạt động thăm viếng, tín ngưỡng mang tính cộng đồng).
3. Người đúng đầu cơ sở: là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc chủ trì các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng hoặc là người được giao trách nhiệm trụ trì, quản lý, trông nom cơ sở.
4. Các khoản chi cho hoạt động tôn giáo/tín ngưỡng, bao gồm: Chi cho hoạt động quản lý vận hành của cơ sở; Chi xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định, sử chữa lớn, nâng cấp tài sản cố định phục vụ hoạt động của cơ sở; Chi cho hoạt động từ thiện; Các khoản chi khác.